Tôn Giáo Nhìn Từ Nhiều Phía - PGS.TS. Lê Công Sự

Thương hiệu: Tôn giáo | Mã SP:
Liên hệ
Hết hàng

Sách đang chờ phát hành

Gọi 0985.369.023 để được tư vấn miễn phí

Tôn Giáo Nhìn Từ Nhiều Phía - PGS.TS. Lê Công Sự

Trong cuộc hiện sinh, tôn giáo chiếm một vị trí không kém phần quan trọng, quyết định phần nào bản chất và số phận con người. Điều này không phải lý thuyết mà được rút ra từ sự trải nghiệm của mỗi cá nhân, đặc biệt khi qua tuổi trung niên hoặc đã về già, ngoảnh nhìn lại quá khứ cuộc đời mình. Tôn giáo và tín ngưỡng theo từng bước chân của mỗi người, từ khi mới sinh ra (lễ đầy tháng, lễ Rửa tội...) rồi chập chững biết đi cho đến tuổi niên thiếu (phong tục cắt bao quy đầu) trưởng thành (lễ thành đinh, v.v.), đến buổi hồi xuân, già lão (trẻ lo cái nhà, già lo cái mồ) và ngay cả khi đi về thế giới bên kia (các nghi lễ sau khi chết như lễ bốn chín ngày, giỗ đầu, v.v.). Người xưa nói: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Đó là đạo lý ở đời. Nhiều người tin rằng, “chết chưa phải là hết”, ngay cả mồ mả người chết cũng có ảnh hưởng đến mọi mặt cuộc sống của người dương thế, từ đó phát sinh quan niệm: “Sống về mồ về mả, chẳng ai sống về cả bát cơm”.

 

 

Đối với xã hội, tôn giáo là một trong những rường cột trong đời sống tinh thần, tác động mạnh đến sự hình thành lối sống, quan niệm sống. Như một hình thái đặc thù của ý thức xã hội, cùng một lúc tôn giáo thực hiện các chức năng cơ bản như: 1) Giáo dục hay hướng thiện; 2) Đền bù hư ảo; 3) Liên kết và củng cố cộng đồng, v.v.

Với tính cách là một hình thái biểu hiện đặc thù của văn hóa, tôn giáo giúp con người xác định và củng cố những quan niệm đạo đức. Trong tôn giáo, hai phạm trù Thiện và Ác được xác định một cách cụ thể và rạch ròi (tích ông Thiện và ông Ác trong Phật giáo). Đức Chúa Trời, đức Phật, Allah, v.v, biểu trưng cho điều thiện, giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi mọi nỗi đau khổ ở đời. Vai trò của các vị ấy được coi như là đấng cứu thế hay cứu cánh, giải thoát cho nhân loại, là sứ giả của hòa bình, đem lại hạnh phúc cho con người. Còn quỷ Satan và mọi hình thức biến tướng của ma quỷ biểu trưng cho sự cám dỗ con người làm điều ác, dẫn đến đau khổ và tội lỗi. Mọi tôn giáo đều khuyên con người hãy làm điều lành, tránh điều dữ. Các quan niệm đạo đức tôn giáo là một trong những cơ sở để các nhà làm luật xây dựng các quy phạm pháp luật, ngăn cấm con người không được thực hiện các hành vi phản văn hóa, vi phạm đạo đức.

Với tính cách là một niềm tin vào sự kéo dài đời sống sau cái chết, tôn giáo nâng đỡ con người trong đau khổ, an ủi động viên họ lúc khó khăn hoạn nạn. Bằng những giáo lý trong các kinh sách, tất cả mọi tôn giáo đều hứa với con người về sự tiếp diễn đời sống ở thế giới bên kia, giúp con người hướng tới trạng thái thiên đường, giải thoát, bồng lai tiên cảnh... Những ai làm việc thiện và chịu đựng khó khăn gian khổ khi sống ở chốn trần gian, sẽ được đền bù sau khi chết, hồn của họ siêu thoát và bản thân sẽ được hưởng thụ những niềm vui ở thế giới bên kia. Những gì tôn giáo hứa hẹn về cõi đời sau tuy thuộc phạm trù niềm tin, nhưng cũng tạo nên trong tâm lý con người niềm hy vọng, xoa dịu nỗi đau và sự lo lắng trong một thế giới vẫn còn nhiều đau thương, khó khăn vất vả vì chiến tranh, bệnh tật, thiên tai.

Với tính cách là một thực thể xã hội, biểu hiện cụ thể trong những nghi lễ diễn ra hàng năm (lễ Phật đản, lễ Noel, tháng Ramadan, v.v.) trong đời sống trần gian, tôn giáo giúp con người liên kết thành cộng đồng dân cư, thông qua cộng đồng đó, con người thực hiện các mục đích kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của mình. Cộng đồng tôn giáo và đoàn kết tôn giáo nhiều khi tạo nên một sức mạnh to lớn thúc đẩy sự tiến bộ lịch sử, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục thiên tai và dịch bệnh. Do tôn giáo có một tầm quan trọng đối với đời sống con người như vậy, nên trong lịch sử, các triết gia, các nhà tư tưởng đều ít nhiều đề cập đến vấn đề tôn giáo theo cả hai nghĩa: đồng thuận hay lên án (phê phán).

Là một người được đào tạo chuyên ngành vô thần khoa học tại Khoa Triết học, Đại học Tổng hợp Leningrad, thuộc Cộng hòa Liên bang Nga, tác giả cuốn sách này đã có điều kiện tìm hiểu và suy tư về vấn đề tôn giáo, đặc biệt là vấn đề tôn giáo đang hiện diện ở Việt Nam - điều đó hỗ trợ rất nhiều cho việc biên soạn cuốn “Tôn giáo nhìn từ nhiều phía” mà bạn đọc đang có trên tay.

Sách gồm 2 phần

Phần I: Tôn giáo qua lăng kính triết gia, tập hợp các bài viết giới thiệu quan niệm của một số triết gia tiêu biểu về tôn giáo. Các bài viết của tác giả ở phần này đã được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo và Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội. Riêng bài Phê phán tôn giáo trong các tác phẩm đầu tay của Mác nguyên bản là Luận văn tốt nghiệp đại học của tác giả viết bằng tiếng Nga đã được tác giả dịch ra tiếng Việt một năm sau đó. Luận văn được thực hiện trong ba năm (từ năm thứ ba, thứ tư gọi là “khóa luận”, đến năm thứ năm gọi là “Luận văn tốt nghiệp đại học") dưới sự hướng dẫn khoa học của GS. TS. A.N.Chipxina và đã bảo vệ cuối tháng 5 năm 1985 tại Phân khoa Vô thần thuộc Khoa Triết học, Đại học Tổng hợp Leningrad với kết quả xuất sắc (otlitrne) - điểm cao nhất trong 3 thang điểm đánh giá của giáo dục Nga đương thời.

Từ khi luận văn được bảo vệ đến nay gần bốn thập kỷ, nên một số nội dung trình bày trong đó có thể đã trở nên lạc hậu so với thời điểm hiện nay. Song với phương châm tôn trọng lịch sử, tác giả không thêm bớt, không chỉnh sửa gì mà để nguyên hiện trạng bài viết. Do vậy, nếu còn có khiếm khuyết gì về nội dung cũng như ngôn từ diễn đạt, rất mong độc giả rộng lòng thông cảm.

Phần II: Một số tôn giáo ở Việt Nam, trình bày nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển, nội dung tư tưởng cơ bản của một số tôn giáo đang hiện diện ở Việt Nam, đặc biệt tác giả phân tích sự truyền bá và ảnh hưởng của năm tôn giáo là Phật giáo, Đạo giáo, Công giáo, đạo Tin lành và đạo Cao Đài đến đời sống xã hội Việt Nam. Đây là những tư liệu trích từ “Tập bài giảng tư tưởng phương Đông” của tác giả đã lên lớp cho sinh Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong những thập niên cuối thế kỷ trước, có bổ sung một số tư liệu mới.

Các tôn giáo hiện đang thịnh hành ở Việt Nam phần lớn được du nhập từ bên ngoài vào theo nhiều con đường khác nhau, một số tôn giáo khi mới du nhập đã có sự xung khắc, va chạm với bản sắc văn hóa Việt, nhưng sau những cơn sóng gió, mọi việc lại trở về bình yên, các tôn giáo đó bén rễ vào mảnh đất Việt và tồn tại cho đến bây giờ. Với đường hướng “Kính Chúa - yêu nước”, “Tốt đời - đẹp đạo”, “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” giữa các tôn giáo có sự khoan dung, đồng cảm lẫn nhau. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, các tôn giáo hiện diện ở Việt Nam đã góp một phần quan trọng vào thành quả chung của dân tộc nhằm hướng tới mục đích chung là độc lập dân tộc, bảo vệ hạnh phúc của đồng bào.

Tôn giáo là một mảng đề tài khá hấp dẫn, song ở Việt Nam hiện nay việc nghiên cứu tôn giáo một cách chuyên sâu còn hạn chế. Tác giả tuy được đào tạo cơ bản về tôn giáo, song vốn là một giảng viên triết học, thời gian chủ yếu dành cho công tác giảng dạy ở trường đại học, do vậy công việc nghiên cứu chưa được chuyên tâm, đầy đủ. Nhưng với lòng đam mê môn học (Tôn giáo học), khi mới bước chân vào giảng đường đại học, tác giả đã cố gắng trình bày vấn đề với mục đích phổ biến tri thức và cung cấp cho bạn đọc thêm tư liệu về vấn đề tôn giáo. Hy vọng, khi đọc sách này độc giả sẽ cảm nhận được tính đa dạng, phong phú của tôn giáo qua việc phân tích tư tưởng về tôn giáo của các triết gia thuộc nhiều khuynh hướng triết học khác nhau, thấu hiểu tính đa dạng của tôn giáo để có một thái độ khách quan đối với loại hình ý thức xã hội này.

Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu bạn đọc !

Nội dung tùy chỉnh viết ở đây
Chất lượng hàng đầu
Chất lượng hàng đầu

Cam kết tất cả sản phẩm chính hãng 100%

Giao hàng siêu nhanh
Giao hàng siêu nhanh

Chúng tôi cam kết giao hàng trong 24h

Mua hàng tiết kiệm
Mua hàng tiết kiệm

Giảm giá & khuyến mãi với ưu đãi cực lớn

Hỗ trợ online 24/7
Hỗ trợ online 24/7

Gọi ngay 0985.369.023 để được tư vấn

Gọi cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Xem địa chỉ doanh nghiệp