Tàn Ngày Để Lại - Kazuo Ishiguro

Thương hiệu: Nhã Nam | Mã SP:
135.200₫ 169.000₫ Còn hàng

Tác giả: Kazuo Ishiguro

Dịch giả: An Lý

Hình thức: Bìa mềm, 14 x 20.5cm, 286 trang

Thể loại: Văn học nước ngoài

Nhà xuất bản: NXB Văn học, 2021

Gọi 0985.369.023 để được tư vấn miễn phí

Tàn Ngày Để Lại - Kazuo Ishiguro

Stevens là một quản gia người Anh với tất cả mọi hàm nghĩa của từ này: tận tụy, chỉn chu, trung thành, và trên hết, luôn luôn có một ý thức mãnh liệt về phẩm giá nghề nghiệp. Mong muốn cải thiện chất lượng phục vụ tại dinh thự và chấm dứt những sa sút hiện tại, Stevens dấn thân vào một cuộc hành trình đi qua Miền Tây nước Anh. Mỗi chặng trên cuộc hành trình mở ra một cánh cửa nối về quá khứ, và dần dà hành trình ấy làm hé lộ những mất mát và nuối tiếc theo sau những ảo tưởng của một đời người.

Bằng một lối viết bậc thầy, đạt đến một sự cân bằng phi thường giữa lời kể bình thản, điềm tĩnh và nỗi hoang mang dữ dội cùng niềm tiếc nuối mênh mông, Kazuo Ishiguro đã bóc tách một cách hết sức tinh tế cái ảo tưởng tót vời mà nhân vật chính đã dâng hiến đời mình cho nó, và làm lộ ra trong cốt lõi không phải là một lý tưởng, mà là một sự ngây thơ rất đẹp nhưng cũng rất khờ dại khi đặt trong một thời hiện đại khôn lường, sự ngây thơ thuộc về một quá khứ mà con người vĩnh viễn không thể nào trở lại được nữa.

TÁC GIẢ:

Kazuo Ishiguro (sinh ngày 8/11/1954) là nhà văn Anh gốc Nhật nổi tiếng thế giới. Sinh ra tại Nagasaki, Nhật Bản, ông theo gia đình sang Anh sinh sống từ năm 1960. Ông tốt nghiệp trường Đại học Kent năm 1978 và nhận bằng Thạc sĩ khóa sáng tác văn chương của trường Đại học East Anglia năm 1980. Hiện ông sinh sống và làm việc tại London cùng vợ và con gái.

Ishiguro được xem là một trong những nhà văn Anh ngữ nổi bật nhất hiện nay. Ông là một trong những nhà văn hiếm hoi cùng lúc sở hữu hai giải thưởng văn chương danh giá: giải Man Booker (1989) và giải Nobel Văn chương (2017).

Tàn ngày để lại xuất bản năm 1989 đã giúp tác giả nhận được giải Man Booker. Cuốn sách được xem là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Kazuo Ishiguro.

Những tác phẩm của Kazuo Ishiguro đã được Nhã Nam xuất bản:

– Mãi đừng xa tôi

– Dạ khúc

– Người khổng lồ ngủ quên

– Cảnh đồi mờ xám

Kazuo Ishiguro – Tôi đã viết Tàn ngày để lại trong bốn tuần như thế nào?

Rất nhiều người có công việc đòi hỏi làm việc nhiều giờ dài. Tuy nhiên đối với việc viết tiểu thuyết, dường như ai cũng đồng ý rằng sau độ khoảng bốn giờ đồng hồ liên tục viết, thì thành quả thu hoạch được sẽ bắt đầu không tương xứng với công sức bỏ ra. Xưa nay tôi vẫn tương đối tán đồng quan điểm này, nhưng khi mùa hè năm 1987 ngày một tới gần, tôi bắt đầu tin rằng cần một phương án triệt để hơn. Vợ tôi Lorna cũng đồng ý như vậy.

Cho tới thời điểm đó, kể từ năm năm trước, khi tôi nghỉ việc để tập trung vào viết, tôi vẫn duy trì được tương đối tốt nhịp độ ổn định để làm việc và có sản phẩm. Nhưng sự quan tâm sốt sắng đầu tiên của công chúng kéo theo cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi [An Artist of the Floating World] đã gây rất nhiều phân tán. Những đề nghị có khả năng đem lại lợi ích cho sự nghiệp, những lời mời dự tiệc hay dùng bữa, những chuyến đi nước ngoài quyến rũ, những chồng thư cao như núi, đã gần như kết liễu luôn công việc “chính” của tôi. Mùa hè năm trước đó tôi viết xong chương mở đầu cho một cuốn sách mới, nhưng giờ đây sau gần một năm, tôi chưa tiến thêm được tí nào.

Vậy là Lorna và tôi nghĩ ra một kế hoạch. Tôi sẽ dẹp cho bằng sạch tất cả các dự định khác trong vòng bốn tuần và bắt tay vào một thứ mà chúng tôi gọi bằng cái tên có phần bí hiểm là “crash”. Trong giai đoạn “crash”, tôi không làm gì hết, chỉ viết từ 9 giờ sáng đến 10 rưỡi đêm, từ thứ Hai đến thứ Bảy. Tôi có một giờ nghỉ ăn trưa và hai giờ nghỉ ăn tối. Tôi sẽ không trả lời thư, thậm chí không đọc thư, và tránh xa điện thoại. Miễn tiếp khách ở nhà. Lorna dù bản thân đã rất bận rộn sẽ gánh cả phần việc nhà và nấu nướng của tôi trong thời gian này. Chúng tôi hy vọng làm như thế sẽ không chỉ hoàn thành được khối lượng công việc nhiều hơn, mà còn giúp tôi đạt đến một trạng thái tâm lý thấy thế giới hư cấu của tôi còn thực hơn đời thực.

Lúc đó tôi 32 tuổi, chúng tôi vừa chuyển nhà tới Sydenham phía Nam London, và lần đầu tiên trong đời tôi có một phòng làm việc riêng của mình. (Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi viết trên bàn ăn.) Thật ra nó giống như một cái khoang chứa đồ lớn trên chiếu nghỉ và không có cửa, nhưng tôi vô cùng sung sướng có một nơi riêng để muốn xả giấy tờ ra thế nào thì xả mà không phải dọn đi khi hết ngày. Tôi dán đầy những sơ đồ và ghi nhớ lên bức tường bong tróc và ngồi xuống viết.

Về cơ bản, Tàn ngày để lại đã được viết ra như thế. Suốt trong thời gian “crash”, tôi viết tùy hứng, bất chấp phong cách, không cần biết buổi chiều viết ra có trái ngược hẳn với buổi sáng hay không. Ưu tiên là để các ý tưởng nảy ra và mọc lên. Những câu cú kinh khủng, những đối thoại ghê rợn, những cảnh đi vào ngõ cụt – tôi cứ mặc kệ chúng đấy và cày tiếp.

Đến ngày thứ ba, tới giờ nghỉ tối, Lorna nhận xét tôi bắt đầu cư xử bất thường. Ngày Chủ nhật đầu tiên được nghỉ tôi đã dấn thân ra khỏi nhà, lên phố chính của Sydenham, và cứ cười khùng khục hồi lâu – Lorna kể lại như vậy – vì con phố dốc nên người đi xuống thì loạng quạng còn người đi lên thì phì phò dốc sức. Lorna lo vì tôi còn phải làm vậy thêm ba tuần nữa, nhưng tôi cam đoan với cô là tôi rất khỏe còn tuần thứ nhất thì rất thành công.

Tôi cứ thế cày tiếp bốn tuần, và tới khi xong thì nói chung tôi đã xong cả cuốn sách: tuy tất nhiên sẽ còn phải dành rất nhiều thời gian để viết lại cho hoàn chỉnh, nhưng những đột phá sáng tạo cốt yếu đều đã hình thành trong đợt “crash”.

Cần phải nói thêm rằng tới thời điểm bắt tay vào “crash”, tôi đã ngốn xong một lượng tương đối những “tài liệu”: các sách viết về hoặc viết bởi giới phục vụ Anh, về chính trị và chính sách ngoại giao giai đoạn giữa hai cuộc chiến, rất nhiều tờ rơi và bài luận thời kỳ đó, gồm cả bài của Harold Laski “Làm người quân tử có hại như thế nào”. Tôi đã càn quét tủ sách cũ trong hiệu sách địa phương (Kirkdale Books, hiện vẫn là một hiệu sách độc lập sống khỏe) tìm những sách giới thiệu về vùng nông thôn nước Anh giai đoạn thập kỷ 1930 và 1950. Quyết định khi nào thì nên thực sự bắt tay vào viết – bắt đầu thêu dệt nên câu chuyện – bao giờ cũng là một quyết định cốt tử đối với tôi. Cần phải biết bao nhiêu trước khi đặt câu văn xuống? Bắt đầu quá sớm thì dễ hỏng, bắt đầu quá muộn cũng dễ hỏng. Tôi nghĩ với Tàn ngày tôi đã gặp may: đợt “crash” đến rất đúng lúc, khi tôi biết một lượng vừa đủ độ.

Khi nhìn lại, tôi thấy ra rất nhiều nguồn ảnh hưởng và cảm hứng cho cuốn sách. Nhưng có hai điều này có thể khó thấy hơn:

1) Vào giữa thập kỷ 1970 khi còn teen, tôi có xem phim The Conversation, phim thriller của Francis Ford Coppola đạo diễn. Trong phim, Gene Hackman đóng vai một bậc thầy theo dõi đánh thuê, mà bất kỳ ai muốn bí mật ghi âm người khác nói chuyện sẽ đều tìm đến. Hackman quyết chí trở thành tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực đó – “kẻ gài bọ số một Hoa Kỳ” – nhưng rồi dần dà bị ám ảnh vì ý nghĩ những đoạn băng ông ta cung cấp cho các thân chủ quyền lực của mình sẽ có hậu quả đen tối, kể cả giết người. Tôi nghĩ nhân vật của Hackman đã là hình mẫu ban đầu cho viên quản gia Stevens.

2) Tôi cứ nghĩ mình đã viết xong Tàn ngày rồi, nhưng rồi một tối tôi nghe Tom Waits hát bài “Ruby’s Arms”. Một bản ballad về người lính giã từ người tình đang ngủ vào tờ mờ sáng để lên tàu đi xa. Cái đó thì không có gì lạ. Nhưng bài hát vang lên bằng giọng thô tháp của một anh chàng hobo Mỹ chưa bao giờ quen phô bày tình cảm ra trước mắt mọi người. Rồi đến một điểm, khi người hát thú rằng trái tim mình đang tan vỡ, tới đó bài hát trở nên xúc động không tả xiết do sự tranh chấp giữa bản thân cảm xúc kia và sự kháng cự hiển nhiên rất mạnh mẽ mà người hát đã phải vượt qua để thú nhận điều này. Waits hát câu đó với cả một niềm cảm khái mang tính thanh tẩy, và ta cảm nhận được vẻ khắc kỷ cứng rắn kiểu đàn ông đã giữ cả một đời nay vụn vỡ trước một mối buồn mênh mang. Tôi nghe bài này rồi đổi ý đã có trước đó, rằng Stevens sẽ bịt kín mọi cảm xúc cho đến tận giờ phút cuối cùng. Tôi quyết định rằng vào đúng một thời điểm thôi – thời điểm thế nào thì tôi phải chọn thật cẩn thận – lá chắn thép của ông ta sẽ rạn, và một tâm hồn lãng mạn mà bi kịch trước giờ giấu kín sẽ chớp mắt lộ ra.

Phong Huyền Anh dịch

Sách Khai Minh trân trọng giới thiệu. 

Nội dung tùy chỉnh viết ở đây
Chất lượng hàng đầu
Chất lượng hàng đầu

Cam kết tất cả sản phẩm chính hãng 100%

Giao hàng siêu nhanh
Giao hàng siêu nhanh

Chúng tôi cam kết giao hàng trong 24h

Mua hàng tiết kiệm
Mua hàng tiết kiệm

Giảm giá & khuyến mãi với ưu đãi cực lớn

Hỗ trợ online 24/7
Hỗ trợ online 24/7

Gọi ngay 0985.369.023 để được tư vấn

Gọi cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Xem địa chỉ doanh nghiệp