Quái Thế Kỳ Đàm - Phùng Kí Tài

Thương hiệu: Tao Đàn | Mã SP:
Liên hệ
Hết hàng

Sách đang chờ phát hành. Quí khách LH đặt sách 0971998312

 
Gọi 0985.369.023 để được tư vấn miễn phí

Quái Thế Kỳ Đàm - Phùng Kí Tài

Đời Quái Truyện Kỳ - Lời giới thiệu của dịch giả Châu Hải Đường viết riêng cho ấn bản QUÁI THẾ KỲ ĐÀM.

Phùng Kí Tài (sinh năm 1942 tại Thiên Tân) là một nhà văn, họa sĩ, nhà văn hóa nổi tiếng Trung Quốc, ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ văn chương, hội họa đến bảo tồn di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của Thiên Tân nói riêng cũng như Trung Quốc nói chung.


Riêng trong lĩnh vực văn chương, ông sáng tác rất nhiều thể loại, từ thơ ca đến văn xuôi, từ tùy bút đến truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết. Sau sáng tác đầu tay là tiểu thuyết Nghĩa Hòa quyền viết chung với Lý Định Hưng, từ năm 1978 đến đầu những năm 1980 trước làn sóng của dòng văn học “thương ngân” (vết thương) viết về thời kỳ Cách mạng văn hóa Trung Quốc, là một người từng chịu đầy ải trong 10 năm đau thương ấy, Phùng Kí Tài đã viết hàng loạt tác phẩm về thời kỳ Văn Cách, dành được nhiều giải thưởng cũng như sự mến mộ của độc giả như: A!, Điêu hoa yên đẩu (Chiếc tẩu thuốc khắc hoa); Phô hoa kỳ lộ (Lối rẽ trải hoa); Cảm ơn cuộc đời… Đang ở đỉnh cao của thành công như vậy, nhưng ngay năm 1984, ông đã quyết định rẽ hướng sáng tác văn chương của mình sang một hướng đi mới, mà như ông nói: “đối diện với một thời đại kỳ đặc, mà lịch sử và hiện thực cùng xung đột với nhau không cái nào chịu nhường cái nào, hiện thực phản bội lại lịch sử, hiện thực lại là một quái thai của lịch sử”, “tôi cảm thấy cách viết nhẹ nhàng thành thục của mình trước đây không đủ.” Và ông muốn “đem cả hoang đường, tả thực, triết lý, tượng trưng cùng những nét vẽ chấm phá của tiểu thuyết cổ điển cho đến cách viết của tiểu thuyết thông tục hòa trộn với nhau làm một”[1]. Từ trăn trở ấy, năm 1984 truyện vừa Roi thần đã ra đời và ngay lập tức giành được giải Truyện vừa ưu tú toàn quốc. Kế tiếp theo Roi thần, năm 1986 ông tiếp tục cho ra đời tiểu thuyết Gót sen ba tấc - một tác phẩm được ông viết nên không chỉ từ nghiên cứu tìm tòi hàng loạt ghi chép, văn hiến cổ xưa, mà còn từ những tàn dư còn lại của tục bó chân tàn khốc từng tồn tại suốt mấy trăm năm ở Trung Quốc mà chính mắt mình từng thấy tại Thiên Tân cũng như khắp các vùng từ thành thị tới thôn quê ở Trung Quốc. Có thể nói Gót sen ba tấc đã lập tức trở thành tác phẩm gây được sự chú ý và tranh cãi nhất khi ấy ở Trung Quốc cũng như nước ngoài, The New Yorker từng nhận định: “Đây là một tiểu thuyết thật sự xuất sắc, hấp dẫn với hàm lượng văn chương cực phẩm. Phùng Kí Tài kể chuyện thông minh, phần lớn nhờ sự dửng dưng mỉa mai khôi hài khi chọn tục bó chân như một phương tiện khảo sát quá khứ Trung Quốc để đưa ra lời bình phẩm về thời nay”. Có lẽ vì vậy, mà Gót sen ba tấc đã giành được giải thưởng không chỉ ở trong nước, mà các bản dịch của nó cũng nhận được nhiều giải thưởng ở nước ngoài. Kế tiếp Gót sen ba tấc, tựa hồ như lập sẵn kế hoạch thời gian, hai năm sau - năm 1988, Phùng Kí Tài lại cho ra đời tác phẩm cùng hướng viết này, đó là Âm dương bát quái. Nếu như nội dung của Roi thần và Gót sen ba tấc tương đối chuyên nhất, thì nội dung của Âm dương bát quái lại trải rộng và phong phú, mà như cố dịch giả Phạm Tú Châu từng giới thiệu: “truyện có thuyết âm dương huyền bí, câu thiền lời kệ; có khúc điệu quê mùa, lời bàn ngõ phố cùng giáo phái chính tà, nhân vật thì muôn hình muôn dạng” mà “mỗi người đều có một câu chuyện kỳ thú, hợp thành bức tranh phong cảnh lập thể ở Thiên Tân cuối đời Thanh, đầu đời Dân quốc”. Nhận định về ba tác phẩm này của mình, Phùng Kí Tài cho biết: Roi thầnlà viết về cái gốc rễ - chính là truyền thống - của văn hóa; Gót sen ba tấc là viết về sức tự trói buộc mình của văn hóa - văn hóa Trung Quốc có truyền thống biến xấu thành đẹp, một khi xấu đã hóa đẹp rồi thì rất khó thoát được ra; Còn Âm dương bát quái là viết truyền thống tự phong tỏa của văn hóa. Đó là sự trói buộc về tinh thần lớn nhất mà người ta không tự biết được khi đối diện với thời đại mở.

Tại Việt Nam, năm 1997 cố dịch giả Phạm Tú Châu đã lần đầu tiên phiên dịch và giới thiệu tác phẩm Gót sen ba tấc của Phùng Kí Tài tới độc giả Việt Nam, được bạn đọc đón nhận nhiệt liệt. Và năm sau (1998) bản dịch tiếng Việt Gót sen ba tấccủa Phùng Kí Tài đoạt Giải thưởng văn học dịch của năm. Năm 1999, cố dịch giả Phạm Tú Châu biên dịch tác phẩm Roi thầnin riêng, đến năm 2002 bà tiếp tục dịch cuốn Âm dương bát quái và in chung cả ba truyện trên thành một quyển do nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Có thể nói, văn chương của Phùng Kí Tài đã được độc giả Việt Nam đón nhận và yêu mến từ cuối thế kỷ trước, tuy rằng, sau ba dịch phẩm của Phạm Tú Châu mới chỉ có thêm lẻ tẻ một vài truyện ngắn, tùy bút được in trong sách, báo hay trên những trang mạng cá nhân của một vài dịch giả khác được giới thiệu.

Nói về tên gọi Quái thế kỳ đàm, ngay từ năm 1986, khi viết xong Gót sen ba tấc và lần đầu được xuất bản thì Phùng Kí Tài đã có cuốn sách đầu tiên mang tên Quái thế kỳ đàm bao gồm hai truyện: Roi thần và Gót sen ba tấc. Có thể nói tên gọi ấy đã được xác định thành danh ngay từ rất sớm như thế. Sau đó, khi tác phẩm Âm dương bát quái ra đời năm 1988, đã ngay lập tức được giới chuyên môn cũng như độc giả xác định truyện nằm trong mạch Quái thế kỳ đàm, nhưng chưa từng có cuốn in chung ba truyện với tên Quái thế kỳ đàm lần nào, cho mãi tới năm 2016 - sau 30 năm xuất hiện, bộ sách Quái thế kỳ đàm gồm ba truyện mới một lần nữa được Bách Hoa Văn Nghệ cho in lại ở Trung Quốc.

Nhưng không dừng lại ở đó, cuối năm 2018, sau 30 năm ấp ủ, gián đoạn do phải tập trung vào nhiều công việc, dẫu đã nhiều lần bày tỏ qua các cuộc phỏng vấn của báo chí, cuốn tiểu thuyết thứ tư cũng trong mạch Quái thế kỳ đàm của Phùng Kí Tài - tiểu thuyết Ống nhòm một mắt - đã ra mắt độc giả.
Sáng tác Ống nhòm một mắt được bắt nguồn từ những phản tư của Phùng Kí Tài về sự va chạm văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây hồi đầu thế kỷ trước, và cũng là tiếp tục dòng suy ngẫm của ông đối với tâm lý văn hóa dân tộc. Trong thời đại ấy, những mối liên hệ của thế giới là đơn hướng, không thể lí giải, cũng giống như cách nhau bởi một cái ống nhòm một mắt, người này nhìn người kia dò xét, nhưng lại đầy cảm giác xa cách. Giới chuyên môn lập tức cùng có chung một nhận định: Ống nhòm một mắt là cuốn tiểu thuyết kế tiếp các tác phẩm Roi thần, Gót sen ba tấc, Âm dương bát quái làm thành bộ tác phẩm Quái Thế Kỳ Đàm tứ bộ khúc. Nếu Roi thần thông qua một dải đuôi sam mà phản tỉnh những thói xấu trong văn hóa Trung Quốc, Gót sen ba tấc châm biếm tính ngoan cố và sự trói buộc trong văn hóa phong kiến Trung Quốc, Âm dương bát quáiphân tích biện luận về phương thức nhận biết cũng như mặt trái của văn hóa Trung Quốc, thì Ống nhòm một mắt đã từ trong hiện thực phũ phàng của va chạm văn hóa Trung quốc và phương Tây mà vạch ra rằng, vì những cản trở trong giao tiếp và khác biệt về bối cảnh văn hóa, hai bên Trung - Tây trong việc nhận biết lẫn nhau đều nảy sinh rất nhiều sai lầm. Chiếc ống nhòm một mắt là một khung cửa sổ mà cô gái Pháp - Shana và chàng trai Trung Quốc - Âu Dương Giác đã trao cho nhau, mà không hề biết rằng tình cảm mãnh liệt nó đem lại đã đưa hai người tới con đường một chiều, mà ở sau lưng họ là những ngăn cách, hiểu lầm, xung đột do sự nhận biết một chiều của đôi bên Trung - Tây đưa tới.

Phùng Kí Tài từng nhận định về ba tác phẩm trước trong bộ Quái thế kỳ đàm của mình rằng: Roi thần bề ngoài là hỉ kịch, nhưng bên trong là chính kịch; Gót sen ba tấc bề ngoài là chính kịch, nhưng bên trong là bi kịch; Âm dương bát quái thì trong ngoài đều là một vở kịch hoang đường. Không biết, nếu nói tiếp về Ống nhòm một mắt thì ông sẽ nói thế nào, nhưng tôi xin mạo muội nối theo mà tiếp lời rằng: Ống nhòm một mắt trong ngoài đều là bi kịch! Vậy nhưng dẫu cho vở kịch cuộc đời ấy có như thế nào thì ánh sáng lấp lánh xuyên suốt trong tất cả các tác phẩm của ông chính là bản chất tốt đẹp vượt lên mọi hoàn cảnh của con người. Dù cho thời cuộc lịch sử có đè nén, nhào nặn thế nào, thì bản chất tốt đẹp ấy vẫn không hề thay đổi.

Tao Đàn và Nhà xuất bản Hội nhà văn đã xuất bản riêng từng cuốn, toàn bộ bốn tác phẩm này của Phùng Kí Tài, trong đó ba tác phẩm đầu do cố dịch giả Phạm Tú Châu dịch, và tác phẩm mới nhất - Ống nhòm một mắt- do Châu Hải Đường dịch. Trong lần xuất bản này, “tứ bộ khúc” ấy mới được in chung lại thành một cuốn với tên gọi Quái thế kỳ đàm, có thể nói là lần đầu tiên nhan đề ấy được chính thức xuất bản ở Việt Nam. Phùng Kí Tài sẽ còn tác phẩm nữa tiếp tục mạch nguồn Quái thế kỳ đàm này không? Có lẽ với vốn hiểu biết văn hóa dồi dào và sức viết sức làm việc mãnh liệt của ông, chúng ta hoàn toàn có quyền hi vọng vào điều ấy. Nhưng có thể nói bản Quái thế kỳ đàm với số lượng in giới hạn lần này sẽ là một ấn bản đặc sắc ghi dấu sự trở lại với văn đàn Việt Nam sau hơn hai mươi năm kể từ lần đầu gặp gỡ của văn chương Phùng Kí Tài với độc giả Việt Nam mà có lẽ chưa có nơi nào - ngay cả ở nơi các tác phẩm ấy ra đời - có một ấn bản in đầy đủ “tứ bộ khúc” ấy. Chắc chắn cuốn sách sẽ thỏa mãn được cả nhu cầu thưởng thức văn chương của độc giả cũng như yêu cầu đối với một cuốn sách trân tàng của các nhà tàng thư vậy.

 

Hà Nội, đầu đông 2020

Châu Hải Đường


[1] Trích từ “Trong dòng xiết - Phùng Kí Tài 50 năm ghi chép văn hóa” - NXB Văn học Nhân dân Trung Quốc - 2019.

 
Nội dung tùy chỉnh viết ở đây
Chất lượng hàng đầu
Chất lượng hàng đầu

Cam kết tất cả sản phẩm chính hãng 100%

Giao hàng siêu nhanh
Giao hàng siêu nhanh

Chúng tôi cam kết giao hàng trong 24h

Mua hàng tiết kiệm
Mua hàng tiết kiệm

Giảm giá & khuyến mãi với ưu đãi cực lớn

Hỗ trợ online 24/7
Hỗ trợ online 24/7

Gọi ngay 0985.369.023 để được tư vấn

Gọi cho chúng tôi
Chat với chúng tôi qua Zalo
Xem địa chỉ doanh nghiệp